Phục Linh

 Phục Linh là một vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền và hiện đại với nhiều công dụng khác nhau. Nấm Phục linh hay còn được gọi là Bạch phục linh, Bạch linh, Phục thần, thuộc họ Nấm lỗ với danh pháp khoa học là Polyporaceae.  Phục linh là loại nấm mọc ký sinh hoặc hoại sinh trên rễ cây thông. Khối nấm màu trắng xám gọi là bạch linh, phần nấm có màu đỏ gọi là xích linh, còn phần lõi gọi là phục thần, phần vỏ ngoài gọi là phục linh bì. Trong y học, Nấm Phục linh có tác dụng kiện tỳ, hòa vị, lợi thủy và trừ thấp nên được dùng để điều trị chứng tiểu tiện khó, suy nhược cơ thể, mất ngủ, tỳ vị kém dẫn đến chứng ăn uống không tiêu, bụng đau, tiêu chảy.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Phục linh thường phân bố ở vùng có khí hậu lạnh, mọc trong rừng có thông, nằm sâu dưới 1 lớp mặt đất 20 – 30cm. Thường phát triển ở vùng núi hướng về phía mặt trời, khí hậu mát mẻ, thoáng, độ cao trung bình, không bị gió bấc thổi, chất đất cát mịn tơi xốp.

Ở Việt Nam, đã tìm thấy Phục linh ở các rừng thông tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Gia Lai, Lâm Đồng. Hiện đang được nghiên cứu ở trồng ở Sapa, Tam Đảo.

Tuy nhiên, thực tế vị thuốc chưa được đưa vào nuôi trồng và khai thác thực sự rộng rãi nên đa số nấm Phục linh trên thị trường được nhập khẩu từ Vân Nam - Trung Quốc.

Thu hoạch: Thu hoạch nấm vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 sau tiết lập thu, hoặc từ tháng 7 – 9.

Chế biến: Có 2 cách sơ chế theo kinh nghiệm như sau:

Sau khi đào lên, nấm được đem ngâm nước một ngày, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, đồ lên, thái mỏng khoảng 2 – 3mm, phơi hay sấy khô. Khi dùng thì lấy sắc với thuốc thang.

Sau khi đào lên, nấm được loại bỏ đất cát, chất đống cho ra mồ hôi rồi rải ra chỗ thoáng gió cho se bề mặt, tiếp tục chất đống, ủ vài lần cho đến khi khô nước và bề mặt trở nên nhăn nheo, phơi âm can cho đến khô. Hoặc Phục linh tươi đem thái lát và phơi âm can ở nơi thoáng gió.

Bộ phận sử dụng của Nấm Phục linh

Toàn cây nấm Phục linh đều có thể sử dụng làm thuốc:

Phục linh bì: Là lớp ngoài Phục linh tách ra, kích thước lớn, nhỏ, không đồng nhất. Mặt ngoài có màu từ nâu đến nâu đen, mặt trong màu trắng hoặc nâu nhạt. Chất tương đối xốp và hơi đàn hồi.

Phục linh khối: Sau khi tách lớp ngoài, phần còn lại được thái, cắt thành phiến hay miếng, kích thước không đồng nhất, màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.

Xích phục linh: Là lớp thứ hai sau lớp ngoài, có màu hồng nhạt hoặc nâu nhạt.

Bạch phục linh: Là phần bên trong, có màu trắng.

Phục thần: Là phần nấm Phục linh ôm đoạn rễ thông bên trong.

Thành phần hóa học

Trong quả thể Phục linh có acid pachymic acid tumulosic, acid eburicoic, aicd pinicolic, đường trong đó có pachyman là đường đặc hiệu và chiếm tỉ lệ đến 75%, ngoài ra còn có cholin, histidin, ergosterol, chất khoáng và 1 ít men proteaza.

Tác dụng của Nấm Phục linh

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng lợi thủy thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm dùng chữa tiểu tiện khó khăn, thuỷ thũng trướng man, tiết tả, phục thẩm định tâm, tác dụng an thần chữa hồi hộp mất ngủ, cụ thể:

Phục linh bì: Tác dụng lợi tiểu, trị phù thũng.

Xích phục linh: Chữa thấp nhiệt (chướng bụng, viêm bàng quang, tiểu vàng, tiểu rắt).

Bạch phục linh: Chữa tiêu hóa kém, hay đầy bụng, bí tiểu, ho có đờm, tiêu chảy.

Phục thần: Trị mất ngủ, yếu tim, hoảng sợ, hay hồi hộp.

Theo y học hiện đại

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Nấm Phục linh có tác dụng bảo vệ tế bào gan, giúp hạ đường huyết và giảm nguy cơ loét bao tử.

Thành phần polysaccharide trong nấm có tác dụng tăng cường miễn dịch, có khả năng kháng tế bào ung thư, lợi tiểu và an thần.

Ngoài ra, thuốc sắc từ nấm Phục linh cũng có tác dụng ức chế trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn đại tràng, xoắn khuẩn và cả tụ cầu vàng.

Liều lượng và cách dùng Nấm Phục linh

Trong nhân dân, Phục linh được coi là vị thuốc bổ, thuốc lợi tiểu, dùng trị bệnh thuỷ thũng. Còn dùng để chữa các trường hợp mất ngủ, hay sợ hãi, di tinh. Liều dùng: 5-10g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, bột hay viên. Dùng riêng hoặc có thể sắc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc chữa bệnh từ Nấm Phục linh

Chữa bệnh thuỷ thũng

Phục linh và tang bạch bì mỗi vị 10g, mộc thông 5g. Dùng khoảng 600ml nước, sắc còn 200ml. Dùng uống trong ngày, có thể chia làm 3 lần để uống.

Chữa phù thủng mắt, mặt, chân tay, bụng trướng

Vỏ Phục linh, vỏ Quýt (Trần bì), vỏ quả Cau, vỏ rễ Dâu, vỏ Gừng sống, mỗi vị 15 – 20g hoặc thêm vỏ cây Dướng, Mộc thông với liều lượng bằng các vị trên cùng sắc uống (theo “Nam dược thần hiệu”).

Chữa tim yếu, hay hồi hộp, sợ hãi, ngủ không yên, hay quên, mất trí, tinh thần suy nhược, ăn uống kém sút, rũ mỏi thích nằm

Phục linh, Đẳng sâm, Long nhãn, Liên nhục, Đại táo, mỗi vị 16g; Táo nhân sao, Viễn chí, Xương bồ, mỗi vị 8g, sắc uống hay tán bột, viên với mật ong, uống mỗi ngày 10 – 12g.

Chữa vết đen trên mặt

Tán Phục linh thành dạng bột rồi bôi lên vết đen.

Lưu ý khi sử dụng Nấm Phục linh

Âm hư mà không thấp nhiệt thì không nên dùng.

Bảo quản dược liệu Nấm Phục linh

Để nơi mát, khô ráo, đậy kín, không nên để quá khô, quá nóng vì dễ bị nứt vụn và mất tính chất dính.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Nấm Phục linh cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 









Nhận xét

Bài đăng phổ biến